Lược sử địa giới hành chính Vũ Chính

Đến khoảng thế kỷ XVI, XVII, với quá trình khai hoang, mở làng lập ấp, những đơn vị hành chính đầu tiên trên địa bàn Vũ Chính ngày nay mới chính thức thành lập gồm 2 làng: làng Tham Chính (tên dân gian là Xam, sau đổi thành Lạc Chính), tương ứng với thôn Lạc Chính hiện nay và làng Tông (sau đổi thành Tống Vũ)[1]. Làng Tông có diện tích khá rộng, gồm Tông trong (còn gọi là Tống Vũ Đông thôn) và Tông ngoài (còn gọi là Tống Vũ Nam thôn) tương ứng với các thôn Hòa Hải, Đông Hải, Tây Sơn, Tống Vũ, Tống Văn, Nam Hùng, Trấn Tây, Quyến, Trung Hòa ngày nay. Cho đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, địa giới hành chính của làng Tống Vũ được mở rộng khi họ Vũ từ Lạc Đạo di cư lập ra Vũ ấp (tương đương với một phần thôn Vũ Trường và Tổ dân phố số 2 hiện nay). Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX địa giới hành chính của Vũ Chính ngày nay đã được xác định tương đối chính xác bao gồm: làng Lạc Chính thuộc tổng Lạc Đạo và làng Tống Vũ[2] (gồm Tống Vũ đông thôn và Tống Vũ Nam thôn) thuộc tổng Hội Khê. Cả hai tổng Hội Khê và Lạc Đạo đều thuộc huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ[3].

Sang thời Nguyễn (1802-1945), vào các năm 1830-1831, triều đình phong kiến cải cách hành chính, thiết lập hệ thống hành chính thống nhất ở địa phương gồm các cấp tỉnh, phủ, huyện, xã. Địa giới hành chính đơn vị Tống Vũ và Lạc Chính đổi thành xã. Xã Lạc Chính thuộc tổng Lạc Đạo, xã Tống Vũ thuộc tổng Hội Khê đều thuộc huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định cho đến năm 1890 thì thành lập tỉnh Thái Bình[4]. Đầu thế kỷ XX, tri huyện Vũ Tiên chia xã Tống Vũ thành 2 xã: Tống Vũ Đông thôn vẫn lấy tên cũ là xã Tống Vũ, Tống Vũ Nam thôn lấy tên mới là xã Tống Văn[5].

Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến cuối năm 1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa ban hành sắc lệnh quy định hệ thống hành chính thống nhất, song trên thực tế, cấp tổng và phủ không còn tồn tại, ba xã Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính trực thuộc huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình.

Tháng 3/1947, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thành lập các liên xã (xã lớn) trên cơ sở sáp nhập nhiều xã nhỏ. Các xã Tống Văn, Tống Vũ, Phúc Hạ, Phúc Nội, Phúc Thượng và Hội Khê hợp thành xã Tống Khê; xã Lạc Chính, Lạc Đạo, Kỳ Bá, Tam Lạc, An Chính[6], hợp nhất thành xã Trần Lãm. Lúc này Tống Văn, Tống Vũ, Lạc Chính đổi thành các thôn trực thuộc 2 xã Hội Khê và Trần Lãm.

Tháng 3/1949, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định điều chỉnh địa giới hành chính các xã. Theo đó, xã Tống Khê giải thể, các thôn Tống Văn, Lạc Chính và các thôn Phúc Hạ, Phúc Nội, Phúc Thượng, Cự Phú, Thanh Miếu hợp nhất thành xã Hùng Thắng. Thôn Tống Vũ hợp nhất vào địa bàn xã Trần Lãm[7].

Tháng 6/1956, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Đoàn ủy Đoàn cải cách ruộng đất và Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình đề xuất với Khu ủy Tả Ngạn tiến hành điều chỉnh địa giới và đổi tên các xã trong huyện Vũ Tiên[8]. Tất cả các xã cũ và các xã mới thành lập đều lấy chữ “Vũ”[9] làm đầu. Xã Hùng Thắng giải thể chia làm 2 xã Vũ Chính và Vũ Phúc. Ngày 19/8/1956 xã Vũ Chính được thành lập gồm 2 thôn Tống Văn và Lạc Chính.

Ngày 18/12/1976, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 1507 TC/CP sáp nhập một số xã tại các huyện của tỉnh Thái Bình. Theo đó, hai xã Vũ Chính và Vũ Lãm sáp nhập thành xã Chính Lãm. Chính Lãm lúc này là đơn vị hành chính cấp xã có diện tích và quy mô dân số lớn vào bậc nhất của tỉnh Thái Bình tương đương với địa bàn xã Vũ Chính ngày nay và vùng Lạc Đạo của phường Trần Lãm.

Trước yêu cầu mở rộng địa giới hành chính thị xã Thái Bình, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, ngày 5/4/1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 63-HĐBT về việc thành lập và đổi tên một số xã trên địa bàn huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Theo đó, thôn Lạc Đạo tách khỏi xã Chính Lãm gộp cùng xóm Hòa Bình của xã Vũ Phúc và một phần diện tích của tiểu khu Kỳ Bá thành lập xã Trần Lãm thuộc thị xã Thái Bình, xã Chính Lãm đổi tên thành xã Vũ Chính thuộc huyện Vũ Thư với địa giới hành chính như ngày nay.

Thực hiện chủ trương xây dựng quy hoạch phát triển thị xã Thái Bình - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, xét đề nghị của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình, ngày 20/3/1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 24-HĐBT về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Thái Bình. Theo đó, xã Vũ Chính cùng các xã Vũ Phúc, Phú Xuân của huyện Vũ Thư, các xã Đông Hòa, Hoàng Diệu của huyện Đông Hưng được nhập vào thị xã Thái Bình, kể từ đây, xã Vũ Chính là đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc thị xã Thái Bình (từ năm 2004 thành lập thành phố Thái Bình).

Trải qua quá trình tách nhập địa giới hành chính qua nhiều thời kỳ với các tên gọi khác nhau, kể từ năm 1982 trở đi, địa giới hành chính xã Vũ Chính ổn định nằm ở phía đông nam của thành phố Thái Bình. Địa bàn xã Vũ Chính trải dài theo hướng đông - tây, từ điểm cực đông (thôn Vũ Trường), đến điểm cực tây (thuộc thôn Trấn Tây) kéo dài trên 7 km, hẹp theo hướng bắc - nam, tiếp giáp với 7 xã, phường của thành phố Thái Bình và hai huyện Kiến Xương, Vũ Thư: phía Đông giáp với xã Vũ Lạc (huyện Kiến Xương) ranh giới giữa Vũ Chính - Vũ Lạc là sông Cống Đậu đoạn qua Vũ Chính dài trên 3 km, sông chảy vào Vũ Chính từ Cống Đậu rồi đổ ra Cầu Kìm nên sông này còn gọi là sông Kìm, nối liền 2 xã là cầu Kìm; phía Tây giáp Vũ Phúc (thành phố Thái  Bình), ranh giới 2 xã là sông Kiến Giang đoạn chảy qua xã dài trên 4 Km từ cầu Đen Phúc Thượng tới ngã 3 sông tại Phúc Hạ (có tên dân gian là song Xam), nối liền hai xã là cầu Xam; phía Nam tiếp giáp với xã Vũ Ninh (huyện Kiến Xương) và xã Vũ Hội (huyện Vũ Thư), ranh giới 2 xã Vũ Chính - Vũ Hội là hệ thống sông ngòi chạy dài từ Tây sang Đông; phía Bắc giáp các phường Kỳ Bá, Trần Lãm, Quang Trung (thành phố Thái Bình).


[1] Một số tư liệu gia phả các dòng họ khẳng định, làng Tống Vũ có khoảng trên 450 năm lịch sử, tổ tiên các dòng họ từ làng Tông Chàng, huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã về đây định cư và lập lên làng Tông, với ý nghĩa lấy lại tên cũ của quê hương Tông Chàng.

[2] Cũng trong khoảng thời gian này, một bộ phận dân cư từ các nơi đến định cư và lập ra trại Đống Nế thuộc làng Lạc Đạo.Trại Đống Nế đến năm 1951 đổi thành xóm Trường Chinh, năm 1953 sáp nhập với xóm Vũ Ấp thành xóm Vũ Trường, tương ứng với thôn Vũ Trường và 1 phần tổ dân phố số 2 hiện nay.

[3]. Thời vua Lê Hiển Tông, trấn Sơn Nam hạ tương ứng với địa bàn ba tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam ngày nay.

[4]. Đến năm 1926, cấp phủ không còn là cấp trung gian quản lý huyện, toàn tỉnh lúc này có 12 phủ, huyện và 1 thị xã.

[5]. Tống Văn và Tống Vũ đều thuộc tổng Hội Khê, huyện Vũ Tiên.

[6] An Chính sau này chia làm Cự Phú và Thanh Miếu

[7] Tháng 3/1951, Trần Lãm chuyển về Thị xã Thái Bình, tháng 8/1956, chuyển về thuộc huyện Vũ Tiên.

[8] Năm 1969, Vũ Tiên và Thư Trì hợp nhất thành huyện Vũ Thư.

[9]. Xã Trần Lãm đổi thành xã Vũ Lãm

[10]. Trừ thôn Tiên Sơn và tổ dân phố số 1